3 RỐI LOẠN TIÊU HÓA HẦU HẾT TRẺ ĐỀU MẮC PHẢI

Rối loạn tiêu hóa đang là nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất cản trở quá trình tăng trưởng của trẻ. Nhưng cũng bởi vì tình trạng này khá phổ biến nên rất nhiều bậc phụ huynh trở nên chủ quan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ nên nắm rõ các kiến thức và biểu hiện bệnh lý để kịp thời xử lý và có những biện pháp phòng ngừa cho con.
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn chưa hoàn thiện nên trẻ dễ mắc phải các chứng rối loạn tiêu hóa khi thay đổi đột ngột chế độ ăn hoặc môi trường sinh hoạt. Tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng với những trẻ thường xuyên có những rối loạn bất thường tại đường tiêu hóa thì khả năng hấp thu và cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể có thể bị ảnh hưởng, trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi nếu tiếp diễn kéo dài.
Rối loạn tiêu hóa hay gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi đặc biệt là ở trẻ từ 0-6 tháng tuổi đầu đời với nhiều biểu hiện khác nhau, được các chuyên gia nhi khoa chia thành 3 nhóm biểu hiện:
Nhóm những rối loạn liên quan đến nhu động ruột: như tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, táo bón hoặc táo bón và tiêu chảy xen kẽ…
Nhóm những rối loạn liên quan đến nhu động dạ dày: như nôn ói, bụng co thắt, nuốt nghẹn…
Nhóm những rối loạn liên quan đến sự tiêu hóa thức ăn: khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, bụng ậm ạch, phân sống, phân nhầy mỡ, phân đổi màu…
Mẹ có thể điểm mặt một số biểu hiện thường xuyên thấy ở trẻ nhỏ như:

1. Nôn trớ
Nôn trớ hay trào ngược dạ dày là tình trạng thức ăn sau khi nuốt xuống dạ dày bị đẩy trở lên khoang miệng. Hiện tượng này gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi do hệ tiêu hóa của các bé chưa hoàn chỉnh, cơ tâm vị yếu, co thắt bất thường cùng với việc trẻ nằm nhiều hơn ngồi.
Hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ bắt đầu ăn dặm và hầu hết sẽ hết hẳn khi trẻ qua 2 tuổi. Nếu sau 2 tuổi trẻ còn nôn thì mẹ nên nghi ngờ trẻ bị trào ngược dạ dày bệnh lý và nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay!
Mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe của bé trong năm đầu tiên: nếu trẻ có nôn trớ nhưng vẫn ăn, bú đều, tăng cân đều và khỏe mạnh thì đây là nôn trớ sinh lý. Nếu sau 2 tuổi trẻ còn nôn, chán ăn, sút cân hoặc đứng cân thì có thể trẻ đã bị trào ngược dạ dày bệnh lý và cần được khám chữa ngay.
Gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa những trẻ bị nôn trớ bệnh lý (mắc bệnh trào ngược dạ dày) và tình trạng viêm nhiễm như viêm tai, viêm xoang, hen suyễn do việc đưa vi khuẩn từ ruột ngược lên.

2. Tiêu chảy
Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước trên 3 lần/ngày thì được coi là tiêu chảy. Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài khiến trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải, nghiêm trọng nhất có thể gây suy tuần hoàn, tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Khi trẻ bị tiêu chảy, ngoài việc cần kịp thời bổ sung nước và điện giải, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng loãng, dễ tiêu, giúp cơ thể nhanh hồi phục.

3. Táo bón
Táo bón có thể là một triệu chứng của các bệnh lý khác nhau hoặc là một rối loạn cơ năng (thường gặp nhất)
Biểu hiện: trẻ có số lần đi tiêu ít hơn bình thường, phân to, rắn, đau, căng thẳng khi đi tiêu.
Táo bón dễ gặp do trẻ uống nhiều sữa bò, sữa bột, ít sữa mẹ, chế độ ăn uống ít chất xơ, uống ít nước , lười vận động, hoặc do hệ tiêu hóa bị áp lực khi phải tiêu hóa các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều chất đạm nóng hoặc thức ăn cứng.
Thực tế cho thấy, khi bị táo bón, đầy hơi, chướng bụng trẻ sẽ mất đi cảm giác thèm ăn tự nhiên, ăn không ngon miệng, bỏ bữa, biếng ăn,… và việc trẻ suy dinh dưỡng thấp còi sẽ là tương lai không xa nếu để tình trạng này kéo dài.


Thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt cho trẻ là việc trẻ cần khi bị táo bón: tăng cường chất xơ và nước trong chế độ ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể chất nhẹ nhàng kết hợp tạo lập một thói quen đi vệ sinh đều đặn hằng ngày vào một khung giờ nhất định.

(Nguồn: Tổng hợp)

 

Viết bình luận